Nhân tài có trước hay môi trường trọng dụng nhân tài có trước?

Thảo luận trong 'Suy ngẫm' bắt đầu bởi Phương Vy, 17/11/15.

  1. Phương Vy

    Phương Vy Đã đăng ký

    Bài viết:
    174
    Đã được thích:
    0
    Giới tính:
    Nữ
    Nơi ở:
    Vũng Tàu
    Nhân tài có trước hay môi trường trọng dụng nhân tài có trước? Nếu những nhân tài được đưa ra nước ngoài học không quay trở về, thì đất bao giờ sẽ "lành"?

    Tôi là một sinh viên Luật ở London, Anh.

    Có một lần, tôi thấy trên trang Quora có người hỏi: Điều gì là đáng buồn nhất trong cuộc đời này?

    Câu trả lời phía dưới khiến tôi lặng đi một vài giây - điều đáng buồn nhất trên thế giới chính là một cô bé có khả năng nghiên cứu để tìm ra thuốc chữa các bệnh ung thư đang phải đi kiếm củi trên rừng. Cô bé không có cơ hội đến trường.

    Điều đáng buồn khác, tôi nghĩ, đang xảy ra ở Việt Nam, ở Đà Nẵng. Hôm nay, một anh bạn nhà báo nói với tôi về chuyện Đà Nẵng khởi kiện 7 người trong đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không quay trở lại làm việc cho địa phương. Anh nghĩ câu chuyện đã ngã ngũ. Đây là một hợp đồng dân sự, và việc không thực hiện đúng hợp đồng thì phải chịu đền bù theo thỏa thuận đã ký là lẽ dĩ nhiên.

    Tôi nói với anh rằng sự việc có thể không phải như vậy.

    [​IMG]

    Thành thực mà nói, từ góc độ cá nhân, tôi rất ghét những "nhân tài" ở Đà Nẵng được cử đi học mà không trở về. Nếu họ đã tính toán trước việc không trở về ngay từ khi nộp đơn, rõ ràng họ đã dối trá để có được cơ hội. Nếu họ không lường trước được việc không trở về, thì chuyện không thực hiện đúng cam kết, ngoài số tiền bồi thường hợp đồng, vẫn gây ra những hậu quả không thể tính toán hết.

    Nhìn gần, những "nhân tài" này đã cướp đi cơ hội của những người xứng đáng hơn họ. Những người thực sự có tài và muốn đóng góp cho quê hương đã không có cơ hội được học tập và phát triển xứng đáng với tiềm năng của họ.

    Nhìn xa hơn, việc phá vỡ cam kết của những "nhân tài" Đà Nẵng chính là một hành động phụ lòng một chủ trương tốt, một chính sách tốt. Theo những gì tôi biết, Đà Nẵng tuyên bố sẽ điều chỉnh lại chính sách đào tạo nhân tài. Những hệ luỵ từ quyết định này với người dân Đà Nẵng, với Việt Nam... tôi không thể tính toán ngay được.

    Thay vì thay đổi chủ trương, tôi nghĩ có lẽ Đà Nẵng nên tính toán thêm về thiệt hại và buộc những người không trở về phải bồi thường nặng hơn. Một trong những lý do đơn giản là: nếu muốn con người làm việc tốt, hãy khiến cho chi phí làm việc xấu trở nên cao tới mức không thể chấp nhận nổi. Và bởi vì nếu không có một chính sách tốt, có lẽ sẽ vẫn có nhiều cô bé phải kiếm củi trong rừng thay vì được đi học để tìm thuốc chữa bệnh ung thư.

    Tôi nói với anh bạn của tôi rằng tôi ủng hộ việc Đà Nẵng tiếp tục bỏ tiền cho các nhân tài đi du học.

    Tôi rất thích một câu nói nổi tiếng của Albert Einstein, đại ý bạn không thể giải quyết một vấn đề bằng chính tầm tư duy của bạn khi tạo ra vấn đề đó. Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, và tôi không thể "có súng dùng súng, có gươm dùng gươm". Tôi cần kiến thức, cần công nghệ, cần trải nghiệm, cần rèn luyện. Một trong những cách thức nhanh nhất để có được những điều đó là đi du học ở những trường tốt nhất thế giới trong khả năng của mình. Anh bạn tôi không có niềm tin về chuyện những nhân tài này sẽ trở về. Anh nói về chuyện chảy máu chất xám. Nhưng với tôi, việc không tạo điều kiện cho họ đi du học mới chính là nạn chảy máu chất xám.

    Theo tôi, ở lại Việt Nam, thay vì ra thế giới để học tập kiến thức, để rèn luyện bản lĩnh mới chính là chảy máu chất xám. Tôi đã để "chảy máu" một phiên bản có thể sẽ tốt hơn của mình, để "chảy máu" một tương lai tốt đẹp hơn cho mình, và cũng là một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước.

    Tất nhiên, nhiều người sẽ nói rằng: Đất lành chim đậu. Sau khi học xong, giỏi giang hơn, những nhân tài sẽ ở nước ngoài để được trọng dụng, thay vì trở về Việt Nam và không có cơ hội phát triển. Nhưng đây chính là tranh cãi con gà quả trứng muôn thuở.

    Nhân tài có trước hay môi trường trọng dụng nhân tài có trước?

    Nếu từng đọc các tác phẩm của nhà văn Charles Dickens, có lẽ bạn sẽ không xa lạ với các vấn đề của xã hội Anh thời Victoria. Chỉ hai thế kỷ trước thôi, đa số trẻ em ở đất nước này không được tới trường. Mới 10 tuổi, các em đã phải tới nhà máy làm việc 12 tiếng một ngày. Tỉ lệ mù chữ trong xã hội Anh lúc đó cao gấp nhiều lần tỉ lệ mù chữ ở Việt Nam sau năm 1945.

    Tôi xin kể thêm một ví dụ khác: nguyên mẫu để Thomas More mô tả về người Venalia trong cuốn sách kinh điển "Ütopia địa đàng trần gian" chính là người dân Thụy Sỹ. Chỉ vài trăm năm trước đây, người Thụy Sỹ nổi tiếng là những lính đánh thuê có mặt trong hầu hết các quân đội châu Âu. Và "quả thực họ được thiên nhiên nhào nặn ra chỉ để dành cho mục đích chiến tranh... Bởi giết là cách duy nhất mà họ biết để kiếm sống".

    Từ đất nước của những kẻ đâm thuê chém mướn tới sự thịnh vượng bậc nhất hiện nay của những người dân yêu chuộng hoà bình - hành trình của Thụy Sĩ là "không tưởng"?

    Tôi chỉ tạm kết luận rằng không có thành quả nào là tự nhiên. Một đất nước, một xã hội, hay một cá nhân đều phải có những bước phát triển tuần tự, từ nghèo đói tới giàu có, từ mông muội tới văn minh... Điều kiện duy nhất cho hành trình này là lựa chọn sự phát triển và bắt tay vào thay đổi hoàn cảnh.

    Tôi cũng tin là không có khó khăn nào không thể vượt qua, như lời một vị luật sư nay đã hơn 70 tuổi nói với tôi. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người sống dũng cảm, sáng suốt và có lý tưởng.


    Tổng hợp
     

Chia sẻ trang này

Đang tải...