Dạy con sao cho đúng

Thảo luận trong 'Dạy con học' bắt đầu bởi tuyet473, 21/10/17.

  1. tuyet473

    tuyet473 Đã đăng ký

    Bài viết:
    41
    Đã được thích:
    0
    Giới tính:
    Nữ
    “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, đó là quan niệm của một số bậc làm cha làm mẹ trong cách thức dạy dỗ con cái. Nó thể hiện sự lạm dụng quyền uy, sự bất lực của người làm cha, làm mẹ trong giáo dục con cái. Quát mắng và đánh đập trẻ nhỏ không những vi phạm quyền trẻ em mà còn làm tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn trẻ. Dạy con đúng cách, giúp chúng hiểu ra vấn đề để có ý thức khắc phục sửa chữa.

    Những lời nói vô hình

    Vì cuộc sống gia đình chật vật, khó khăn với hai đứa con nhỏ và người bà ốm yếu, gia đình Thanh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Cả gia đình chỉ trông chờ vào mỗi gánh rau của mẹ, còn bố Thanh thì ngày ngày chạy xe ôm, ngày có khách, ngày không. Cuộc sống gia đình khốn khó nên bố Thanh ngày càng hay cáu gắt. Một lần vì mâu thuẫn với một bạn trong lớp, bố Thanh phải đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm, về nhà Thanh bị bố mắng chửi bằng những lời lẽ khiến em cảm thấy rất buồn.

    Em tâm sự: “Em không hiểu sao bố em lại có thể nói với em những lời cay độc đến thế. Giá em có lỗi bố cứ đánh, em còn cảm thấy đỡ đau lòng hơn. Bằng những lời lẽ sỉ vả của bố khiến em cảm thấy mình là đứa ngu đần, vô tích sự chẳng làm được gì, chỉ làm khổ bố mẹ. Sau những lời chửi bới, em không thể tập trung vào học được nữa. Có lúc em nghĩ có khi mình chết đi, chắc bố mẹ mừng lắm”.

    Còn trường hợp của H thì lại khác. Chỉ vì không đỗ đại học, cô bé H bị cha mẹ mắng nhiếc rằng: “Nhục nhã quá, cũng cơm ấy, gạo ấy, người ta thi đâu đỗ. Đằng này chỉ giỏi đua đòi, ăn diện, không biết chúng tao còn dám ngẩng mặt lên với ai được nữa”.

    Đâu là nguyên nhân?

    Cuộc sống vốn nhiều áp lực khiến không ít bố mẹ bị stress, dễ cáu kỉnh, thế là về đến nhà, bao nhiêu bực dọc, cha mẹ đổ cả lên đầu con cái bằng cách lăng nhục, đánh đập. Trong khi nói ra những lời cay độc, họ vẫn luôn nghĩ rằng: “Nói vậy nó mới thấy mà sửa chữa khuyết điểm”.

    Lý do thứ hai khiến cha mẹ dùng đến “võ mồm” là sự bất lực trong giáo dục con cái. Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ lại chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng nhưng nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy, tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm nỗi bất hạnh của con.

    Thực tế cuộc sống cho thấy, cũng có những đứa trẻ không vì những lời mắng nhiếc của cha mẹ mà hành động sai lầm. Chúng tự vươn lên, cố gắng hơn để chứng minh là mình có nghị lực vào đời. Song cũng có rất ít những đứa trẻ làm được như vậy.

    Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trước đây cha mẹ đối xử với mình như thế bây giờ mình mới nên người. Có người mẹ kể rằng: “Thời nhỏ tôi thường bị cha mẹ chửi mắng là ngu đần. Lúc ấy tôi vô cùng tức giận cha mẹ tôi. Vậy mà, bây giờ nhiều lúc tôi cũng mắng con như vậy. Tôi không thích điều đó, nhưng những lời nói đó cứ tuôn ra một cách tự nhiên, không nhịn được khi bực tức con mình”.

    Hãy dành tình yêu thương

    Roi vọt không đi cùng tình thương sẽ chẳng bao giờ khiến trẻ nên người. Dạy con đúng cách là làm cho trẻ hiểu ra vấn đề để có ý thức khắc phục sửa chữa. Đừng để con trẻ phải lớn lên trong sự khiếp sợ, bị dồn nén và tổn thương tâm hồn.

    Trẻ dù nhỏ nhưng đã ý thức được hành vi của mình. Chúng biết mắc lỗi thì sẽ bị cha mẹ quở trách, thậm chí bị đòn roi nên sợ hãi. Trong trường hợp này cha mẹ nên độ lượng, ân cần chỉ ra những lỗi lầm của con, như vậy hiệu quả giáo dục trẻ sẽ tốt hơn. Thay những trận đòn roi và những lời quát mắng bằng sự bao dung độ lượng, khuyên răn, dạy bảo con trẻ, giúp trẻ nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn roi thành phương tiện trút lên đầu con trẻ. Điều cần nhất ở một đứa trẻ là tình yêu thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ khi dạy dỗ con.

    Yêu con thôi chưa đủ. Để giáo dục con, cha mẹ cần có kỹ năng, phương pháp giáo dục nhân văn. Một trong những kỹ năng đó là biết làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lỗi lăng mạ xúc phạm đến lòng tự trọng của trẻ em. Nếu bạn không muốn con trở thành kẻ ngu đần, vô tích sự và bạn phải hái quả đắng thì đừng bao giờ dùng những lời lẽ mang tính sỉ nhục, gán ghép những tính xấu vào đứa con thân yêu của mình.

    Thực tế cho thấy, trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược, xấc xược và thiếu vâng lời cha me, người trên, trong khi những đứa trẻ được yêu thương dạy bảo với thái độ nghiêm khắc đúng chỗ lại ngoan ngoãn và luôn có ý thức tự mình vươn lên trong cuộc sống. Có những người dạy con mà chưa một lần phải dùng đến đòn roi, chửi bới nhưng con cái khi mắc lỗi đều thấy xấu hổ và sửa chữa ngay để vui lòng cha mẹ. Điều đó thể hiện cái uy của cha mẹ với con cái.

    THU HƯƠNG
    Nguồn: nongnghiep.vn
     

Chia sẻ trang này

Đang tải...